Ghost CMS là một nền tảng viết blog tuyệt vời nhưng lại ít phổ biến hơn WordPress. Hãy cùng tìm hiểu xem Ghost CMS là gì, cách sử dụng Ghost và liệu Ghost có thay thế được WordPress, một CMS cũng dành cho blogging hiện đang nắm giữ hơn 37% thị phần website toàn cầu nhé.
Khi nhắc đến lựa chọn nền tảng nào để viết blog thì chắc rằng hầu hết sẽ chọn WordPress bởi vì có thể nói đây là nền tảng CỰC KỲ phổ biến, đi đâu cũng thấy không chỉ riêng Việt Nam mà là toàn cầu.
Tuy nhiên, WordPress có thật sự là nền tảng viết blog tốt nhất và phù hợp nhất với bạn?
Nếu bạn chưa có câu trả lời thì hãy thử tìm hiểu Ghost CMS qua bài viết này, hi vọng tôi sẽ cung cấp đủ thông tin để bạn có thể chọn chính xác nền tảng nào phù hợp với nhu cầu hiện tại của mình nhất.
Bài viết sẽ trả lời các câu hỏi:
- Ghost CMS là gì?
- Tại sao Ghost không phổ biến ở Việt Nam?
- Khi nào thì nên dùng Ghost thay vì dùng WordPress?
- Khi nào thì nên tránh dùng Ghost? Cách dùng Ghost cơ bản là như thế nào?
- Chuyển đổi từ WordPress sang Ghost như thế nào?
Nào ta cùng tìm hiểu nhé!
Nội dung bài viết Ẩn mục lục
2. Ghost CMS tốt nhưng lại ít phổ biến hơn WordPress, tại sao?
3. So sánh Ghost và WordPress?
3.1. Chi phí để tạo blog bằng Ghost cao hơn bằng WordPress?
3.2. Ghost CMS có gì hay hơn WordPress?
3.3. Khuyết điểm của Ghost so với WordPress
4. Migration từ WordPress sang Ghost
5. Hướng dẫn dùng Ghost CMS cơ bản
6. Khi nào bạn nên chọn Ghost?
7. Khi nào bạn không nên chọn Ghost?
8. Có thể bạn chưa biết về Ghost
Ghost CMS là gì?
Ghost CMS là mã nguồn mở miễn phí vĩnh viễn tương tự như WordPress nhưng khác chỗ Ghost chạy trên Nodejs còn WordPress thì chạy dựa trên PHP.
Ý tưởng của Ghost là tạo ra một nền tảng viết blog chuyên nghiệp tốt nhất thế giới vừa nhanh, vừa mạnh, thiết kế chuyên nghiệp và tốt hơn WordPress. Bởi vì nhà sáng lập Ghost đã từng thất vọng với trải nghiệm viết blog bằng WordPress lúc bấy giờ nên sau đó đã cùng với một người bạn để tạo ra nền tảng Ghost.
Ghost nhanh chóng trở thành nền tảng được giới Writer cực kỳ yêu thích trên toàn thế giới.
Khi mới ra mắt lần đầu tiên Ghost đã gọi vốn rất thành công. Cách kiếm tiền từ dự án Ghost giống với WordPress là cho thuê hosting chuyên Ghost, tương tự WordPress.com. Tuy nhiên, mọi thu nhập của Ghost đều tái đầu tư cho việc phát triển. Ghost CMS thực tế là một dự án phi lợi nhuận.
Hiện nay Ghost CMS vẫn đang tiếp tục duy trì phát triển giống WordPress với phiên bản 3.25 mới nhất.
Ghost CMS tốt nhưng lại ít phổ biến hơn WordPress, tại sao?
Có rất nhiều tiếng tốt nhưng Ghost CMS vẫn không thể đánh bại được WordPress ở mặt thị phần.
- Ghost đòi hỏi bạn biết nhiều về kỹ thuật. Mặc dù Ghost CMS cực kỳ dễ dùng nhưng với điều kiện có ai đó…cài đặt sẵn cho bạn. Bạn cần kiến thức về server quản trị VPS, Linux, Nginx web server, Nodejs và kiến thức về Ghost…để cài đặt và quản trị Ghost. Đó là lý do tại sao các bạn mới thực sự rất khó tiếp cận được Ghost.
- Shared hosting không hỗ trợ cài đặt Ghost. Bạn cần một VPS với RAM 1GB trở lên để cài đặt được Ghost thay vì 256MB như WordPress. Ghost lý thuyết cần RAM gấp 4 lần WordPress. Vẫn có một số shared hosting hỗ trợ cài đặt Ghost nhưng không nên vì không ổn định. Trong khi đó shared hosting lại là lựa chọn hàng đầu với các blogger mới ở Việt Nam.
- Chi phí bắt đầu cao hơn WordPress. WordpPress có nhiều mức giá khởi đầu khác nhau phù hợp cho mọi hầu bao của người dùng. Trong khi đó Ghost đòi hỏi VPS hoặc cần Freelancer cài đặt cho bạn, mặc dù chi phí thực tế không cao như bạn nghĩ (giải thích phần dưới) nhưng về mặt tâm lý thì đây rõ ràng là một rào cản khi bạn mới tìm hiểu Ghost.
- Ít hướng dẫn sử dụng Ghost CMS. Nhu cầu ít dẫn đến ít blogger nào chọn ngách Ghost nên dĩ nhiên sẽ không có nhiều bài viết hướng dẫn sử dụng hay giới thiệu chi tiết Ghost, từ đó càng làm Ghost trở nên KHÓ DÙNG.
- Thị trường không tập trung nhiều vào blog. Blog không còn là dự án chính của nhiều người thay vào đó là các website thương mại điện tử hay các dạng website khác. Blog trở công cụ phụ trợ khi cần tiếp thị content marketing mà thôi. Trong khi đó Ghost là nền tảng chỉ tập trung vào blog, dẫn đến không phù hợp nhu cầu của các Marketer.
Một lý do khác tôi nghĩ là đặc biệt quan trọng đó là Ghost là một nền tảng được quản lý bởi công ty tư nhân phi lợi nhuận Ghost Foundation. Họ không quá coi trọng việc quảng bá sản phẩm mà để “hữu xạ tự nhiên hương” là chính. Thậm chí họ còn không có đội ngũ bán hàng và tiếp thị. Đội ngũ lập trình viên cũng nhỏ hơn WordPress rất nhiều. Họ không định hướng thương mại hóa như WordPress CMS của Automattic.
We don’t make software for free, we make it for freedom.– Automattic Slogan
So sánh Ghost và WordPress?
Có thể nói WordPress và Ghost cả hai ban đầu đều định hướng cho blogging nhưng sau này lại bắt đầu có sự thay đổi theo…THỊ TRƯỜNG.
WordPress đã thành công trong việc hỗ trợ chuyển đổi mục đích sử dụng blog sang tạo các website phức tạp phục vụ đa dạng đối tượng khách hàng bằng cách mở rộng không giới hạn các chức năng của plugin và theme.
Ghost cũng từng có ý định tương tự với việc hỗ trợ plugin như WordPress nhưng sau đó đã hủy bỏ và xoá khỏi lộ trình phát triển. Điều này gây nhiều thất vọng cho lập trình viên hơn là người dùng.
Tôi đã dùng WordPress khá lâu và cũng theo dõi Ghost từ những ngày đầu với phiên bản 1.0 mới ra mắt. Ở góc nhìn của người dùng, tôi sẽ phân tích sự khác nhau cơ bản của Ghost với WordPress và một số hiểu lầm về nền tảng này.
Chi phí để tạo blog bằng Ghost cao hơn bằng WordPress?
Có rất nhiều bạn đều cho rằng để sử dụng Ghost sẽ phải bỏ ra chi phí rất lớn nên chuyển sang dùng WordPress cho…RẺ.
Thực tế thì ngược lại, điều đó chỉ đúng với việc hosting Ghost mà thôi. Khi dùng Ghost thì bạn lại tiết kiệm được rất nhiều chi phí so với WordPress. Đặc biệt là khi bạn muốn tạo một blog cao cấp, WordPress sẽ luôn có những CHI PHÍ ẨN bởi vì bản thân WordPress core không hề đủ tính năng cho bạn sử dụng.
Chi phí Ghost đơn giản chỉ như sau:
- Hosting. Dùng VPS bắt đầu dĩ nhiên là bạn mất trung bình $5/tháng tối thiểu. Nếu bạn dùng dịch vụ hosting Ghost Pro thì giá thấp nhất từ $9/tháng.
- Ghost Theme ($0-$99). Theme WordPress NGHE ĐỒN rẻ hơn Ghost. Thực tế nó mắc hơn cả Ghost. Ví dụ để dùng theme Astra Pro thì bạn phải bỏ ra $59/năm để mua dùng (gia hạn thì rẻ hơn). Theme Ghost chỉ có giá trung bình $29-99 mà thôi. Kể cả khi bạn chọn WordPress theme miễn phí không thể so sánh với Ghost theme miễn phí về độ đẹp.
- Hệ thống bình luận ($0-$5/tháng). Ghost không có hệ thống bình luận tích hợp như WordpPress và không hiểu tại sao sau quá trình phát triển lâu dài vẫn không có kế hoạch phát triển tính năng này. Bạn phải dùng nền tảng bình luận độc lập như Disqus miễn phí hoặc Hyvor Talk trả phí với giao diện đẹp, nhanh và cực kỳ chất lượng với chỉ $5/Tháng cho 100.000 pageviews. Hyvor Talk cũng có gói miễn phí với 5.000 pageviews nhưng hạn chế tính năng hơn.
Tổng thiệt hại nếu bạn chọn theme và hệ thống bình luận miễn phí thì chỉ $60/năm. Đương nhiên thực tế không như vậy, bạn sẽ có xu hướng mua theme Ghost hơn là theme miễn phí vì theme Ghost rất đẹp nên chi phí đầu tư cho năm đầu có thể từ $120-$180 bao gồm cả dùng dịch vụ quản lý.
WordPress thì luôn có các giải pháp miễn phí nhưng một khi bạn đã dồn tâm huyết và thì hầu như bạn sẽ chấp nhận trả phí cho các plugin cao cấp.
So với WordPress, Ghost sẽ tiết kiệm cho bạn các khoản đầu tư các plugin cao cấp sau:
- Cache plugin. Người dùng WordPress ban đầu ai cũng bắt đầu với cache miễn phí nhưng tin tôi đi sau đó lúc nào cũng có xu hướng chuyển sang cache plugin trả phí như WP-Rocket hay SwiftPerformance Pro hay các plugin tương tự với mong muốn tăng tốc website. Chi phí bỏ ra để dùng những plugin này là không nhỏ.
- SEO plugins. Bạn đang dùng Rankmath hay Yoast SEO miễn phí? Rồi đây bạn sẽ có xu hướng đầu tư các SEO plugin trả phí như SEOPress Pro hay YoastSEO Pro thôi. Rankmath thì sớm hay muộn cũng sẽ hướng bạn dùng bản trả phí khi bản Pro ra mắt. Ghost có SEO tích hợp sẵn, kể cả Schema bạn không cần SEO plugin khi dùng Ghost mà bài viết vẫn lên Rank còn cao hơn cả WordPress.
- Social Share Plugin. WordPress mặc định không có social share và bạn phải cài đặt thêm nếu muốn. Các share plugin hàng đầu của WordPress như Social Warfare sẽ tiêu tốn hầu bao của bạn để dùng đấy. Còn Ghost thì tích hợp sẵn social share.
- Membership plugins. Ghost tích hợp sẵn membership trả phí cho bạn nhưng chỉ hỗ trợ Stripe Gateway mà thôi, Paypal vẫn chưa hỗ trợ. Dù vậy, nếu bạn có tài khoản Stripe thì Ghost sẽ tiết kiệm cho bạn một khoản tiền đầu tư vào các membership plugin như Wishlist Member.
- Plugin tối ưu hình ảnh. Hình ảnh được tự động resize và nén lossless khi dùng Ghost, chức năng này không hề đơn giản. Muốn làm tương tự như vậy trên WordPress bạn phải dùng plugin như Shortpixel hoặc các giải pháp tương tự, và các giải pháp đó sẽ tốn phí thêm.
- Plugin bảo mật. Do WordPress cài đặt nhiều chức năng API và WordPress plugins nên việc bảo mật website WordPress sẽ cần tới các plugin bảo vệ. Bạn có thể dùng Wordfence miễn phí nhưng với nhiều người tôi biết vẫn chưa đủ an toàn. Đầu tư plugin bảo mật như WP Security Ninja Pro sẽ tiếp tục tăng chi phí cho bạn. Ghost không có plugin và bảo mật chỉ phụ thuộc vào Ghost Core và cấu hình web server nên hầu như bạn rất ít nghe các tin tức về Ghost bị tấn công so với các lỗ hổng bảo mật plugin của WordPress và WordPress core.
- Webhook plugin. Ghost liên kết với các dịch vụ bên ngoài tốt hơn WordPress nhiều vì Ghost có hỗ trợ webhook. Nếu bạn muốn có một chức năng webhook mạnh mẽ như Ghost thì bạn phải dùng đến plugin WP Webhook Pro. Nhờ webhook bạn có thể liên kết với hầu hết dịch vụ email marketing có hỗ trợ incoming webhook hoặc qua webhook endpoint trung gian.
- AMP plugin. Ghost hỗ trợ AMP mặc định và bạn không cần cấu hình gì, mọi thứ đều tự động. WordPress cần theme hỗ trợ AMP như Astra Pro kết hợp với plugin AMP.
Khi xem xét thì chưa chắc tạo một WordPress blog như ý sẽ rẻ hơn Ghost. WordPress chỉ rẻ hơn khi bạn chấp nhận dùng mọi plugin miễn phí hay có ý định dùng các null plugin trả phí mà thôi. Nếu không, WordPress luôn có các chi phí “ẩn” mà chỉ khi sử dụng bạn mới thấy.
Trong trường hợp một người khó tính như tôi thì WordPress blog lại đắt hơn so với tạo một Ghost blog.
Ghost CMS có gì hay hơn WordPress?
Thực tế thì ưu điểm của Ghost với nhiều bạn lại là nhược điểm của Ghost nên khách quan phân tích thì bạn tự mình đánh giá xem đó là ưu hay nhược khi sử dụng Ghost nhé.
Ghost tập trung vào nội dung bài viết nên đơn giản hoá header, sidebar và footer. Giao diện cực kỳ tinh gọn và đơn giản. Điều này làm tăng chuyển đổi cho bài viết không làm phân tâm đọc giả.
Trong khi WordPress lại ngược lại. Với nhiều bạn sẽ cảm thấy không thoải mái vì Ghost thiếu khả năng điều hướng site chuyên sâu như WordPress và xem đây là khuyết điểm.
Ghost nhanh hơn và mượt hơn WordPress. Ở mặc định, WordPress có thể nhanh hơn hoặc bằng Ghost nhưng khi bạn bắt đầu cài đặt thêm theme và các plugin thì WordPress lại chậm hơn Ghost. Ghost tích hợp tính năng trong lõi nên tối ưu hoá tính năng tốt hơn WordpPress plugin nhiều.
Theo trang chủ của Ghost thì Ghost nhanh gấp 1900% so với WordPress, nghĩa là nhanh hơn WordPress 19 lần ở các phép thử độc lập. Rất ấn tượng.
Ghost có giao diện cực đẹp và chuyên nghiệp. Giao diện kể cả miễn phí đi nữa thì Ghost cũng AUTO đẹp. Theme Ghost thật sự quá chất. Bên cạnh đó, Ghost có hiệu ứng chuyển động rất tinh tế mà ít có theme WordPress nào tích hợp.
Khuyết điểm của Ghost so với WordPress
Tương tự, khuyết điểm của Ghost cũng chính là ưu điểm của Ghost.
Không hỗ trợ cài đặt plugin từ bên thứ 3 như WordPress. Điều này làm giới hạn những khả năng của Ghost so với WordPress nhưng bù lại bạn sẽ bảo mật website tốt hơn, chạy mượt hơn và ít bị phân tâm khi sử dụng hơn.
Không có plugin cài đặt thêm nghĩa là bạn không thể dùng Page Builder để tạo landing page hoặc phễu bán hàng,…cái mà WordPress rất mạnh.
Tôi đoán là Ghost cũng mong muốn tạo plugin tương tự nhưng có thể do khả năng tài chính và quy mô công ty khác biệt lớn so với Automattic (WordPress) nên đã bỏ dự án Ghost plugin. Điều này không hẳn là xấu vì nó giúp Ghost tập trung vào lõi thay vì phân tâm và loay hoay tìm cách quản lý chợ plugin khổng lồ như WordPress Repo, cũng như tìm cách khác nào đó kiếm tiền từ người dùng miễn phí như WordPress.
Trình soạn thảo của Ghost không mạnh bằng Gutenberg của WordpPress. Ghost chỉ có vài block để giúp bạn viết bài nhưng đổi lại luôn mượt mà, hiệu năng sử dụng cực tốt. Trong khi đó Gutenberg có quá nhiều tính năng kể cả việc tạo trang hay cả website, gọi API và liên tục được cập nhật tính năng mới từ đó có thể gây lag cho cả trình duyệt lẫn backend của WordPress.
Ghost cập nhật thủ công bằng Terminal Console. Đây là một điểm yếu lớn so với WordPress. WordPress cập nhật theme, plugin và WordPress core ngay bên trong Admin Dashboard. Tuy nhiên, đây cũng chính là lợi thế của Ghost bởi vì sẽ luôn giữ cho nền tảng ổn định. Với WordPress, bạn sẽ thường xuyên gặp lỗi nếu các cập nhật mới gây xung đột và không đồng đều.
Migration từ Ghost sang WordpPress thì khó nhưng migration từ WordPress sang Ghost thì lại dễ (có plugin WordPress hỗ trợ). Nghĩa là khi bạn muốn chuyển đổi nền tảng sang các nền tảng blog khác sẽ khó khăn hơn so với WordPress.
Ghost không có module quản lý media. Nếu bạn đang than phiền WordPress media quản lý hình ảnh quá cơ bản thì Ghost còn thiếu sót lớn hơn. Ghost không có tính năng quản lý media nghĩa là mọi ảnh bạn upload lên Ghost đều không thể xoá trực tiếp từ Ghost Admin mà chỉ có thể xoá thủ công bằng SFTP. Vì vậy bạn cần cân nhắc upload từng ảnh cho bài viết cẩn thận để tránh gia tăng kích thước size của Ghost blog ở server.
Ghost không có hệ thống bình luận tích hợp sẵn trong Core. Đây là khuyết điểm thật và khiến bạn tốn thêm tiền cho việc sử dụng hệ thống bình luận từ bên thứ ba. Cũng may đa số bên thứ ba đều rất chất lượng và có cả miễn phí như Disqus.
Migration từ WordPress sang Ghost
Để chuyển từ WordPress blog sang Ghost nói thật là không quá đơn giản, đặc biệt là đối với những blog ĐÃ phức tạp như có quá nhiều custom post, custom links (redirect link) như đang dùng Easy Affiliate Link plugin, custom chuyên biệt cho permalink, quá nhiều trang tĩnh đang dùng Page Builder để dựng.
Với các blog phức tạp như thế này khi bạn thực chuyển sang Ghost sẽ tốn rất nhiều công sức và thậm chí phải custom lại cả Ghost theme cho phù hợp.
Với các blog WordPress đơn giản hơn với các thiết lập thông thường của WordPress thì việc chuyển đổi khá nhẹ nhàng. Bạn làm theo các bước sau:
- Xóa Tags của WordPress nếu không cần thiết (lựa chọn). Không giống WordPress, Ghost không có Category mà chỉ có Tag nên Tag đóng vai trò như Category của WordPress. Bạn cần xoá toàn bộ Tag cũ của WordPress nếu không cần thiết.
- Chuyển Categories sang Tags. Như đã đề cập bước trên, bạn cần chuyển toàn bộ Categories của WordPress thành Tag. Bạn có thể dùng plugin Categories to Tags Converter.
- Chuyển bình luận sang bên thứ 3 như Hyvor Talk. Ghost không có hệ thống hình luận nên bạn phải import toàn bộ bình luận của WordPress sang nền tảng thứ ba. Miễn phí thì bạn dùng Disqus, trả phí thì nên dùng Hyvor Talk cũng khá dễ dàng như sau:
- Export bình luận WordPress từ Tool của WordPress Admin Dashboard.
- Đăng ký tài khoản Hyvor Talk và đăng nhập vào tài khoản. Sau đó Import file đã lưu trên máy tính ở bước trên vào Hyvor Talk Console. Chờ 24 giờ để Hyvor Talk xử lý hoàn tất.
- Chèn hệ thống bình luận vào Ghost theme.
- Dùng plugin Ghost Migration để export blog WordPress thành file zip lưu trên máy tính. Sau đó import vào Ghost.
- Cấu hình Routes.yml. Nếu WordPress bạn đang cài đặt Permalink dạng
%%category%% %%postname%%
thì bạn cần chỉnh fileRoute.yml
lại như sau:/: permalink: /tag/{slug}/
Chú Ý
Khi sử dụng plugin migration với các blog lớn nhiều nội dung thì bạn phải điều chỉnh tăng max_input_vars, max_memory_limit và max_execution_time nhiều nhất có thee để tránh lỗi 502 Gateway Nginx.
Ngoài ra hãy cẩn thận với Shortcode vì khi chuyển qua Ghost mọi Shortcode đều vô dụng.
Hướng dẫn dùng Ghost CMS cơ bản
Đăng nhập Ghost Admin. Bạn chỉ cần thêm vào /ghost
ở cuối URL blog của bạn tương tự như /wp-admin
khi bạn dùng WordPress để đăng nhập vào trình điều khiển của Ghost.
Một mẹo nhỏ là ở bất cứ bài blog nào mà bạn cần chỉnh sửa nhanh bạn chỉ cần thêm /edit
vào cuối URL của bài viết đó là có thể vào thằng trình soạn thảo để chỉnh sửa bài viết đó. Rất tiện lợi!
Cài đặt theme cho Ghost. Ghost không có theme repo như ở WordPress mà bạn phải download theme thủ công từ nguồn miễn phí hoặc trả phí dưới định dạng file zip, sau đó upload lên Ghost và kích hoạt sử dụng. Bạn hãy tham khảo Ghost Theme Marketplace tại đây.
Các theme Ghost miễn phí thường ở Github được chia sẻ công khai cho cộng đồng. Casper theme là theme cài đặt mặc định khi bạn cài đặt mới Ghost. Khi dùng theme trả phí thì bạn nên chọn nhà cung cấp Aspiretheme có gói trả phí 1 lần cho bundle bạn có thể dùng không giới hạn website và cập nhật theme vĩnh viễn. Bạn hãy dùng coupon code TODAY
để được giảm 10%.
Cấu hình SEO cho Ghost. Phải nói rằng SEO trong Ghost cực kỳ nhẹ nhàng và tự động hóa kể cả bạn không rành về SEO vẫn có thể hiểu ngay được cần điền gì vào trường gì của Ghost.
Tôi rất thích SEO của Ghost và tôi biết rất nhiều bạn cũng cực kỳ thích…Tự động và tự động. Chưa chắc SEO của WordPress có thể so được với Ghost vì Ghost tự động tạo schema structure cho các bài viết và có cấu trúc bài viết cực kỳ thân thiện với SEO. Thậm chí bạn đang dùng các plugin SEO trả phí như SEOPress hay Schema Pro.
Dùng Page trong Ghost. Dĩ nhiên Ghost vẫn tạo được các trang tĩnh nhưng chỉ dừng lại ở mức độ đơn giản giống như Page của WordPress mặc định. Sẽ không có các page builder yêu thích bạn dùng trên WordPress vì Ghost không có plugin. Nếu bạn muốn tạo các page đẹp bạn bắt buộc phải biết cách dùng handlebarjs để tạo custom page với định dạng hbs
.
Dùng Post để viết bài trong Ghost. Bạn có thể dùng Ghost như một phần mềm chuyên viết bài vì Ghost hỗ trợ Markdown và auto-save gần như thời gian thực (mỗi 60 giây và khi dừng phím Ghost sẽ tự lưu). Cái này thì Gutenberg của WordPress không thể so sánh được, bài viết bạn có dài đến đâu đi nữa thì Ghost vẫn hoạt động mượt mà. WordPress chỉ nên dùng Gutenberg để định dạng hơn là viết vì rất nhiều rủi ro mất nội dung và lag trong quá trình bạn viết.
Liên kết với các bên thứ ba. Mặc dù Ghost không hỗ trợ cài đặt plugin nhưng Ghost giao tiếp và thêm các script từ bên thứ 3 cực kỳ linh động và tốt. Ghost hỗ trợ Code Inject và Webhook kết hợp API nên có thể nói Ghost là một trong những CMS hàng đầu thân thiện với các bên thứ 3, bỏ xa WordPress vốn chỉ hỗ trợ API cơ bản và lạm dụng plugin để kết nối với bên ngoài.
Bạn có thể chèn Google Analytics, Opt-in như Convertbox hay Live chat như Chaport rất dễ dàng. Không dừng ở đó, Ghost còn hỗ trợ Code Inject cho từng bài viết, tags archive và từng trang giúp cho blog bạn tránh các code không cần thiết toàn site. WordPress thậm chí còn không có cả plugin nào có chức năng tương tự để chèn code cho từng trang giống vậy.
Khi nào bạn nên chọn Ghost?
Tuy thị phần của Ghost không lớn như WordPress nhưng Ghost vẫn có những đối tượng người dùng nhất định cực kỳ trung thành và chịu chơi so với WordPress.
Bạn có phải là đối tượng sử dụng nền tảng Ghost hay không?
Sau đây là những dấu hiệu cho thấy bạn cực kỳ phù hợp khi sử dụng Ghost mà ngay cả chính bạn cũng không biết.
- Bạn là blogger chuyên nghiệp. Bạn có thu nhập từ affiliate, viết bài sponsor hơn là đặt quảng cáo từ Google. Các blogger chuyên nghiệp luôn tập trung vào chất lượng nội dung bài viết và đó là tất cả với bạn. Ghost là một nền tảng chuyên blog với cùng công thức với bạn. Không còn gì tuyệt vời hơn.
- Bạn muốn tạo một trang tạp chí tuyệt vời. Nói thật, Magazine theme của WordPress sẽ không thỏa mãn bạn đâu. Ghost có lượng theme về tạp chí cực kỳ đẹp, chạy mượt mà và chuyên nghiệp vô cùng. Ghost sẽ là lựa chọn tốt hơn tất cả nếu bạn muốn tạo một site như vậy. Hãy xem thử Yoffa Magazine Theme của Aspiretheme.
- Bạn yêu thích viết blog trên Medium. Ghost và Medium có thể nói là gần với nhau nhất về ngôn ngữ thiết kế nên trình soạn thảo, giao diện rất giống nhau và kể cả chức năng Membership của Ghost cũng tương tự tính năng Premium Membership của Medium. Ghost sẽ làm bạn hài lòng khi chuyển từ Medium sang.
- Bạn muốn tìm nền tảng thay thế WordPress. Bạn đang mất niềm tin với WordPress vì những sự cố, tốc độ, trải nghiệm bản thân,…trong quá trình sử dụng để viết blog. Bạn muốn tìm kiếm nền tảng thay thế WordPress? Ghost là một ứng cử viên hàng đầu để thay thế WordPress.
- Bạn muốn tạo một Membership site đơn giản. Có thể trả phí hoặc miễn phí với các nội dung cao cấp? Với WordPress bạn có thể mất nhiều chi phí để tạo một membership site như vậy nhưng Ghost thì đã tích hợp sẵn cho bạn tính năng membership này rồi. Bạn cần có tài khoản Stripe để dùng tính năng này.
- Bạn là blogger mới. Có lẽ không hợp lý khi bạn là một blogger mới nhưng lại chọn Ghost, một nền tảng không dành cho newbie sử dụng? Trong trường hợp này nghĩa là bạn chưa dùng qua WordPress, bạn chưa từng tốn thời gian tìm hiểu WordPress, vậy hãy dùng thẳng Ghost vì như tôi đã giải thích ở trên thì Ghost như bảng nâng cấp của WordPress cho blog và sử dụng cực kỳ đơn giản. Tuy nhiên, bạn phải chuẩn bị sẵn chi phí cho việc nhờ dịch vụ cài đặt Ghost sẵn sàng cho bạn, bạn có thể dùng dịch vụ tạo Ghost blog cao cấp của CuongThach nếu muốn.
Khi nào bạn không nên chọn Ghost?
Để tránh bạn tìm hiểu Ghost vô ích tôi sẽ tổng hợp luôn một số TỐ CHẤT cho thấy bạn không hợp dùng Ghost:
- Bạn muốn tạo website hoàn chỉnh. Nghĩa là bạn muốn tạo rất nhiều trang web và có luôn cả blog. Như vậy Ghost sẽ không hợp với bạn. Cần nhắc lại, Ghost chỉ dùng để viết blog hơn là dùng cho tạo website như mong muốn của bạn. Trong trường hợp này, bạn nên dùng WordPress hoặc Ladipage + Ghost nếu hầu bao cho phép hơn là chỉ sử dụng Ghost cho tất cả.
- Chi phí là tất cả với bạn. Bạn mong muốn tạo một blog với chi phí thấp nhất hoặc tốt hết là MIỄN PHÍ. Có thể bạn đang là sinh viên và chưa có thu nhập đủ, dù Ghost tốn chi phí không lớn để sử dụng nhưng bạn vẫn phải chi ít nhất $5-$10/tháng tùy chất lượng Ghost blog. Khi đó, Blogger hay WordPress với shared hosting giá rẻ có vẻ phù hợp với nhu cầu của bạn hơn là Ghost CMS.
- Bạn muốn tạo website bán hàng. Ghost không hỗ trợ tạo cửa hàng như Woocommerce trên WordPress. Mặc dù bạn có thể nhúng của hàng dùng Ecwid như tôi hướng dẫn nhưng tôi không khuyên dùng. Thay vào đó nên dùng WordPress cho đúng nhu cầu của bạn hoặc Shopify.
- Bạn dùng WordPress đã quá lâu và lại yêu thích Classic Editor của WordPress thay vì Gutenberg. Không hẳn là bạn không thích hợp dùng Ghost nhưng bạn sẽ thất vọng ở nhiều thứ và với lượng kiến thức gần như là học lại từ đầu. Hầu hết sẽ đánh giá Ghost rất thấp khi viết bài bằng Ghost. Nếu bạn đã quen thuộc WordPress Classic Editor như vậy thì không nên chuyển sang dùng Ghost.
- Bạn đang có một blog bằng WordPress quá lớn và phức tạp. Việc chuyển đổi sang Ghost sẽ khó khăn và mất rất nhiều chức năng của blog WordPress. Nếu blog WordPress bạn vẫn hoạt động ổn định thì bạn không nên chuyển đổi vì không đáng. Bạn chỉ nên tạo một blog mới nếu bạn thích thật sự thích Ghost.
Có thể bạn chưa biết về Ghost
- Ghost tự động nén ảnh lossless và resize ảnh (tối đa 2000px) khi bạn upload ảnh lên bài viết.
- Ghost có hỗ trợ đa ngôn ngữ, nếu bạn cần thì hãy chọn mua theme hỗ trợ tính năng này là nhanh nhất.
- Tuy home page bạn có thể custom nhưng tốt nhất là nên dùng các giải pháp khác cho việc tạo landing page để có website hoàn chỉnh đẹp như dùng Ladipage hoặc tương tự. Ghost chỉ nên dùng cho blog như một phần của website chính.
- Ghost có tích hợp sẵn preview link, khi bạn dán một URL vào bài viết thì nó sẽ tự hiện ảnh và mô tả của link đó. WordPress chỉ có oEmbed chứ không có preview links.
- Giao diện di động của Ghost cực kỳ tốt so với WordPress, WordPress mặc dù có responsive theme nhưng thường hay bị lỗi vặt trong khi Ghost gần như hoàn hảo.
- Ghost tự động gia hạn chứng chỉ SSL cho bạn, WordPress core không có tính năng này mà do server hay cPanel thiết lập sẵn cho bạn.
- Ghost hỗ trợ Slack để thông báo sự kiện trong Ghost, cái mà WordPress phải nhờ đến plugin để có tính năng tương tự.
- Ghost có sẵn chức năng gửi email newsletter, bạn sẽ không cần dùng Mailchimp hay ESP khác để gửi.
- Theme của Ghost được bán ở nhiều nơi, Ghost theme marketplace chỉ là nơi để bạn tham khảo là chính. Bạn có thể trực tiếp mua theme Ghost theme tại:
- Envato Market
- Aspire Theme
- Themeix
Tham khảo bài viết: Nơi mua theme cho Ghost chất lượng uy tín nhất
Các thương hiệu lớn trên thị trường đang dùng Ghost CMS cho tiếp thị nội dung như DigitalOcean, Airtable, Mozilla,…Bạn có thể tham khảo.
Lời kết…
Nếu nói về trải nghiệm cá nhân thì Ghost CMS thỏa mãn tôi 100% cho việc viết blog hơn là WordPress rất nhiều. Nhưng tôi không chuyển sang dùng nền tảng Ghost mà tôi chỉ dùng Ghost cho việc tạo blog mới mà thôi.
Ghost tích hợp rất nhiều tính năng cần thiết trong lõi trong khi WordPress lại “bán cái” các tính năng đó cho plugins thứ ba và hậu quả là ngày càng trở nên phức tạp hơn. Chưa kể WordPress xa rời blog và tập trung vào thu hút càng nhiều thị phần càng tốt. Ghost tuy cũng không tập trung vào blog nữa nhưng các tính năng mới cũng không tệ, vẫn còn là nền tảng chuyên blog.
Ngoài ra, nếu bạn là người dùng mới hoặc bạn yêu thích Ghost sau bài viết này thì hãy đăng ký theo dõi ghostFam – Cổng thông tin Ghost CMS, nơi chia sẻ các tin tức liên quan đến Ghost và các nội dung độc quyền mà bạn chỉ có thể tìm thấy ở đây.
Quan điểm của bạn về Ghost như thế nào? Hãy để lại bình luận bên dưới để cùng thảo luận nhé!